Đất Xanh Nam Trung Bộ /

Sau Quy Nhơn, vị trí liền kề trong chuyến tàu kinh tế đất võ là thị xã An Nhơn và huyện cực bắc Hoài Nhơn. Dễ hiểu vì sao năm hết tết đến, giữa lúc tối tăm mặt mũi đánh vật cùng thiên tai, mưa lũ, Bình Định vẫn thu xếp thời gian ngồi với các chuyên gia, các nhà khoa học, lắng nghe phác thảo về một diện mạo gần của hai vùng địa lý cách nhau gần trăm cây số.

Thành phố, trong hay ngoài tầm tay?

Theo đồ án quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bình Định đến 2035, An Nhơn là đô thị vệ tinh của TP Quy Nhơn và cùng với Quy Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát, Vân Canh, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh hợp thành tiểu vùng số 1. Tiểu vùng 2 gồm Phù Mỹ, An Lão, Hoài Nhơn, Hoài Ân, với Hoài Nhơn là đô thị trung tâm.

An Nhơn cách Quy Nhơn 20km về phía tây bắc, là đầu mối hàng loạt tuyến giao thông đường bộ (QL 1A, QL 19, QL 19B, ĐT 639B, ĐT 636), gần đầu mối giao thông đường sắt (ga Diêu Trì), hàng hải (cụm cảng Quy Nhơn), đặc biệt là cận kề cảng hàng không Phù Cát. Được công nhận đô thị loại IV năm 2010 trước khi trở thành thị xã vào năm 2011, An Nhơn có diện tích 244,5km2, dân số năm 2015 là 182.900 người, chiếm 12% dân số toàn tỉnh. Đây là vùng đất có nhiều sản phẩm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp nổi tiếng, nhiều vùng canh tác nông nghiệp kỹ thuật cao hái ra tiền. Lợi thế hiển nhiên khác là tiềm năng du lịch của nơi đã từng là kinh đô Vương quốc Chămpa, đế đô vương triều Tây Sơn – Nguyễn Nhạc. An Nhơn có 16 di tích lịch sử được Nhà nước công nhận, 24 làng nghề, 18 lò võ, nhiều tập tục, lễ hội độc đáo như lễ hội đổ giàn Nhơn Phúc, hội đánh bài chòi, đánh cờ người…

Đường vào trung tâm Thị xã An Nhơn

Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội Bình Định đến năm 2020 hình dung An Nhơn sẽ kết nối với đô thị Phú Phong – Tây Sơn, Khu Kinh tế Nhơn Hội và Cát Tiến – Phù Cát để cùng Quy Nhơn đóng vai trò động lực thúc đẩy sự phát triển của cả tỉnh. Khảo sát của Sở Xây dựng Bình Định cho thấy, 5 năm 2010 – 2016, thị xã An Nhơn thay đổi rõ nét, giá trị sản xuất tăng 1,5 lần. An Nhơn hiện là địa phương thu hút đầu tư mạnh thứ nhì Bình Định, chỉ sau TP Quy Nhơn. Đã có một “chỉ định” rõ ràng dành cho An Nhơn là “hướng tới đô thị loại III, thành lập TP trước năm 2025” (Nghị quyết số 20/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Bình Định ngày 22.7.2016). So với bộ tiêu chí do Ủy ban Thường vụ quốc hội ban hành, An Nhơn hiện đạt 62,6 điểm. Để được công nhận đô thị loại III, “đất kinh xưa” cần ít nhất 12,4 điểm nữa mới đạt mức tối thiểu.

Con đường đô thị hóa Hoài Nhơn dài, quanh co hơn. Năm 2010, đô thị Bồng Sơn (gồm thị trấn Bồng Sơn và 6 xã phía Nam huyện) được công nhận đô thị loại IV; có cơ hội tách ra thành thị xã. Nửa phía bắc dự kiến là huyện Hoài Nhơn mới lấy thị trấn Tam Quan làm huyện lỵ. Do Quốc hội, Chính phủ chủ trương hạn chế tăng thêm đơn vị hành chính cấp huyện, đồ án thành lập thị xã đành điều chỉnh theo hướng toàn bộ địa giới hành chính Hoài Nhơn hiện nay. Theo đó, phải đến 2018, trung tâm tiểu vùng 2 mới đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV để 2035, đạt chuẩn đô thị lọai III, chạm mục tiêu thành lập TP Hoài Nhơn.

Hoài Nhơn rộng 420,82km2, dân số năm 2015 là 210.500 người, chiếm 14,27% dân số Bình Định. Hoài Nhơn có bờ biển dài 24km, có 2 cửa biển Tam Quan, An Dũ, có đội tàu thuyền hùng hậu, dẫn đầu cả nước về sản lượng đánh bắt xa bờ, có 17 doanh nghiệp, 16 cơ sở chế biến thủy hải sản. Nghề nuôi trồng thủy sản phổ biến đạt giá trị từ 550 – 600 triệu đồng/ha. “Thủ đô khu 5 kháng chiến” có trữ lượng đáng kể về du lịch sinh thái lẫn du lịch văn hóa – lịch sử. Trong 13 di tích của  Hoài Nhơn, có những di tích quốc gia nổi tiếng như đồi 10, đền thờ danh nhân Đào Duy Từ…

Ngược lại, đất này đang bị kìm hãm bởi nhiều yếu tố bất lợi như xa sân bay, cảng biển, không gian liên kết vùng chật hẹp, chủ yếu theo trục Bắc – Nam. Ngay thế mạnh kinh tế biển, việc khai thác cũng chưa thực sự hiệu quả, đồng bộ. Việc huy động nguồn lực đầu tư xây dựng đô thị gặp khó khăn mà một trong những nguyên nhân là chưa thành lập đơn vị hành chính cấp thị xã. Cũng có lý do chủ quan, nói như đại diện Sở Xây dựng Bình Định: “Chính quyền địa phương thiếu chủ động, quyết tâm đối với công tác quản lý đô thị”.

Kịch bản nào?

TS Trần Du Lịch đặt vấn đề: “Kinh tế An Nhơn trong tương lai là kinh tế đô thị. Như vậy, sẽ thực hiện chuyển đổi đất nông nghiệp ra sao? Nông nghiệp kỹ thuật cao được khai thác thế nào? Khi trục đường 19B gắn với Cảng Quy Nhơn hoàn thành, đô thị có “nở” thêm ra không, phát triển ở đâu?”. PGS.TS Bùi Quang Bình (Đại học Đà Nẵng) mở đầu tham luận “Định hướng phát triển thị xã An Nhơn” cũng bằng một câu hỏi: “An Nhơn ở đâu trong tiến trình phát triển nói chung và ở đâu so với Bình Định?”. Câu trả lời là chưa xứng với vị thế, vai trò một thị xã.

Ông Bình kêu gọi nên dựa vào sự phát triển của công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, khu vực kinh tế tư nhân: “Thúc đẩy phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp trong tổng thể phát triển ngành công nghiệp Bình Định. Nâng cao giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh sản phẩm thế mạnh như công nghiệp chế biến, công nghiệp đầu vào cho nông nghiệp. Thu hút doanh nghiệp từ Quy Nhơn dịch chuyển về các cụm công nghiệp ở thị xã. Tiếp tục phát triển làng nghề gắn liền với du lịch. Khai thác, tận dụng tốt lợi thế nông nghiệp nhiệt đới của địa phương; xây dựng, phát triển các vùng chuyên canh. Tạo mọi thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân như động lực chính cho sự phát triển…”.

TS Nguyễn Ngọc Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế – xã hội Bình Định đưa ra 3 chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế cho các giai đoạn khác nhau: Từ 2016 – 2020: 13 – 13,5%; 2021 – 2025: 14,8%; 2016 – 2030: 15,7%. Sản phẩm, ngành nghề chủ lực của An Nhơn, theo ông Anh là chế biến gỗ, lâm sản; khai thác, chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng; chế biến nông sản thực phẩm; công nghiệp cơ khí; công nghiệp dệt may, da giày….

làng nghề nón lá gò găng

Làng nghề nón lá Gò Găng 

Giải pháp của TS Anh là… rất nhiều giải pháp, từ đầu tư phát triển nông nghiệp nông thôn, dịch vụ du lịch, hạ tầng chợ, siêu thị đến trường lớp, trạm, trại, cấp thoát nước, vệ sinh môi trường, hiệu quả quy hoạch, phát triển không gian đô thị…

“Hoài Nhơn nên trở thành đô thị thương mại nông nghiệp gắn với du lịch thân thiện”, các chuyên gia đến từ Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia khuyến cáo. Giải  thích về khái niệm thân thiện, nhóm chuyên gia này cho rằng trong khi khó cạnh tranh với các đô thị phía nam về hạ tầng và lợi thế thu hút du khách, Hoài Nhơn hoàn toàn có thể tận dụng cảnh quan sinh thái, vẻ đẹp hoang sơ, quy mô đô thị vừa phải, sản phẩm văn hóa đặc sắc…

Tác giả Nguyễn Đức Mạnh (Cty TNHH Tư vấn & Thương mại Phú Nguyên) đối chiếu Nghị quyết Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chỉ ra, Hoài Nhơn ở thế 50 – 50 về cơ hội trở thành thị xã, tức có 2 tiêu chí đạt (quy mô dân số, diện tích tự nhiên), 2 tiêu chí chưa đạt (đơn vị hành chính trực thuộc, phân loại đô thị). Tiêu chí còn lại (cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế – xã hội) gồm nhiều nội dung thì một số đạt, một số chưa.

Ông Mạnh vạch ra con đường hiện thực hóa mục tiêu biến Hoài Nhơn thành thị xã thuộc tỉnh trước 2020. Một số giải pháp, theo ông là: Đẩy mạnh tăng thu, kiểm soát chặt chẽ chi tiêu ngân sách; lấp đầy các cụm công nghiệp hiện tại, thành lập cụm công nghiệp mới như Thiết Đính, Đệ Đức, Hoài Tân, Hoài Châu, Hoài Đức, Hoài Hảo, Hoài Thanh, Hoài Thanh Tây, Khu chế xuất hải sản Hoài Hương…; kiến nghị hình thành cơ chế ưu tiên bố trí ngân sách  đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kết hợp vận động rộng rãi các nguồn lực xã hội; chú trọng giảm nghèo….

Lãnh đạo ngành NNPTNT Bình Định khẳng định khai thác, nuôi trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm là thế mạnh hiển nhiên của Hoài Nhơn. Lĩnh vực trồng trọt xác nhận thế mạnh cây lúa, cây dừa.  Chăn nuôi có bò, lợn. Lâm nghiệp có trồng rừng, kinh tế trang trại…

Nguồn lực ở đâu?

Một khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho thấy, giai đoạn 2011 – 2015, tổng vốn đầu tư xã hội trên địa bàn An Nhơn đạt 4.261 tỉ đồng. Giai đoạn 2016 – 2020, nhu cầu vốn đầu tư phát triển xã hội của An Nhơn tăng 1,78 lần, lên 7.600 tỉ đồng. Trong đó, vốn ngân sách 2.100 tỉ (chiếm 27,64%), ngoài ngân sách 5.500 tỉ (chiếm 72,36%). Vốn ngoài ngân sách gồm vốn doanh nghiệp 4.500 tỉ(chiếm 59,21%), vốn từ các thành phần sản xuất cá thể, hộ gia đình 760 tỷ đồng (10%), vốn tín dụng 76 tỉ, chiếm 1%. Tỉ lệ vốn ngoài ngân sách càng về  sau sẽ càng tăng lên: Giai đoạn 2021 – 2025 chiếm 82,85% trong khoảng 14.0000 tỉ đồng. Giai đoạn 2026 – 2030 chiếm 90,17% trong tổng vốn đầu tư phát triển 28.000 tỉ đồng.

Cả An Nhơn lẫn Hoài Nhơn đều được BIDV khuyến nghị tập trung hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường hút vốn từ mọi thành phần kinh tế, thu hút vốn thông qua phát hành trái phiếu địa phương, biết cách kêu gọi, hấp dẫn nguồn vốn từ đầu tư nước ngoài…

Với riêng BIDV, nhóm nghiên cứu bày tỏ tự tin rằng Bình Định nói chung, hai thực thể đang đề cập nói riêng sẽ thấy “sáng cửa” nhờ giải pháp tín dụng từ ngân hàng này. Theo đó, giai đoạn 2016 – 2020, BIDV cam kết cung cấp 15.000 – 20.000 tỉ đồng vốn trung dài hạn, lãi suất hợp lý theo hướng ưu tiên các dự án trong điểm lĩnh vực hạ tầng kinh tế – xã hội; các dự án mở rộng, nâng cấp, đầu tư các khu công nghiệp… Hiện tại, BIDV tự xác nhận, đã làm nhiều việc cho Bình Định như hỗ trợ hoạt động kêu gọi đầu tư, huy động vốn; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư tại Bình Định…

Nguồn: Báo Lao Động

Xem thêm:

Mọi thông tin chi tiết về dự án Căn hộ I Tower Quy Nhơn xin liên hệ

PHỤ TRÁCH DỰ ÁN CĂN HỘ I TOWER QUY NHƠN

HOTLINE: 090.1919.789

Download Company Profile mới nhất của Đất Xanh Nam Trung Bộ để hiểu rõ hơn về chúng tôi.

Giấy CNĐKDN : 4201719553
Cơ quan cấp: Sở KHĐT Tỉnh Khánh Hòa
Địa chỉ: Tầng 8, tòa nhà Sacombank, 76 Quang Trung, Lộc Thọ, Nha Trang
Điện thoại: 0258 3813 727
Mail: info@datxanhnamtrungbo.net
Hotline: 090 1919 789
Chính sách bảo mật