Bố trí thêm tầng lánh nạn có thể làm tăng giá nhà chung cư

Để phòng cháy nổ, nhà từ 30-50 tầng được đề xuất bố trí 1-2 tầng lánh nạn và điều này có thể tạo thêm áp lực đẩy giá căn hộ lên cao.

Bộ Xây dựng vừa ban hành Dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chung cư với điểm mới là có thêm quy định về tầng lánh nạn cho cư dân khi tòa nhà xảy ra sự cố cháy nổ. Tầng lánh nạn được hiểu là tầng dùng để sơ tán tạm thời, được bố trí trong tòa nhà có chiều cao từ 100 m trở lên. Tầng lánh nạn có bố trí một hoặc nhiều gian lánh nạn.

Dự thảo này nhận được sự đồng tình của Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) song kèm theo cảnh báo tăng thêm tầng lánh nạn đồng thời cũng khiến giá chung cư đội lên so với trước đây.

Trong bản kiến nghị gửi Chính phủ, Bộ Xây dựng và các bộ ngành liên quan về vấn đề này, HoREA xác nhận cần thiết phải có các quy định chi tiết và cụ thể hơn về tầng lánh nạn đối với nhà có chiều cao từ 100-150 m trở lên, tương ứng với chung cư 30-50 tầng trở lên.

Cụ thể, nhà 30-40 tầng phải bố trí một tầng lánh nạn và lũy tiến nhà 41-50 tầng cần phải bố trí 2 tầng lánh nạn. Các tầng lánh nạn cách nhau không quá 20 tầng và không được phép bố trí căn hộ, văn phòng, dịch vụ hay các hoạt động thương mại trên khu vực này. Tuy nhiên, đi kèm với việc tăng chỉ tiêu an toàn này là giá nhà cũng đứng trước thách thức bị đội lên khi phát sinh thêm tầng lánh nạn.
Trao đổi với VnExpress, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA thừa nhận, việc tầng lánh nạn không được bố trí căn hộ, văn phòng, hoặc diện tích kinh doanh thương mại chắc chắn khiến chủ đầu tư mất hẳn nguồn doanh thu của một vài tầng trong dự án.

Điều này dẫn đến việc làm tăng chi phí đầu tư, giảm số lượng căn hộ hoặc giảm diện tích kinh doanh, quy mô dân số của dự án. Từ đó, dẫn đến việc làm tăng giá bán căn hộ và tăng giá bán các diện tích kinh doanh khác. Cuối cùng, người tiêu dùng (người mua nhà) phải gánh chịu việc tăng giá này.

Từ quan ngại trên, ông Châu đề xuất, để giảm bớt thiệt hại cho chủ đầu tư dự án chung cư cao tầng và người mua căn hộ, cơ quan cấp phép không nên tính diện tích sàn tầng lánh nạn vào tổng diện tích sàn xây dựng của dự án. Giải pháp hợp lý là nên cộng thêm chiều cao tầng lánh nạn vào chiều cao tối đa của công trình.

Ông Châu cũng quan ngại, trong bối cảnh giá nhà liên tục tăng cao thời gian qua, nếu tạo thêm áp lực làm tăng chi phí đầu tư cho các dự án nhà ở cao tầng sẽ khiến người dân chịu nhiều thiệt thòi.

Chủ tịch HoREA cho biết thêm, hiện nay các tòa nhà chung cư hoặc cao ốc phức hợp có bố trí nhà ở cao tầng đã dần trở nên phổ biến, điển hình như Landmark 81 cao 461,3 m; Kaengnam Landmark 72 cao 336 m, Lotte Center Hà Nội cao 272 m.

Đối với các đô thị lớn, đặc biệt là TP HCM và Hà Nội đã hình thành xu thế người dân lựa chọn sinh sống trong các căn hộ nhà chung cư cao tầng, nhất là các dự án được xây dựng trong vòng 10 năm gần đây. Vì vậy, cư dân sống tại các tòa cao ốc này phải được trang bị kỹ năng đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy, thoát hiểm và cần được phổ cập kiến thức về tầng lánh nạn, gian lánh nạn để di chuyển đến nơi an toàn.

“Do đặc thù bố trí tầng lánh nạn vừa cần thiết để đảm bảo an toàn vừa làm đội giá thành nhà ở, việc xem xét cộng thêm số tầng lánh nạn khi cấp phép chiều cao công trình nên được cân nhắc toàn diện nhằm hạn chế làm tăng giá nhà, tránh tạo thêm gánh nặng cho người mua”, ông Châu nhấn mạnh.

Thống kê của HoREA, hiện nay tại Việt Nam chưa có cao ốc nào bố trí tầng lánh nạn trừ tòa nhà Bitexco 68 tầng tại TP HCM có dành một tầng làm bãi đỗ trực thăng.

Theo Vnexpress.

Có thể bạn quan tâm

0 replies

Leave a Reply

Want to join the discussion?
Feel free to contribute!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *