“Khi bắt tay vào khảo sát để lập Quy hoạch TP HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, chúng tôi sớm nhận ra vai trò đầu tàu kinh tế của TP HCM đang ngày càng mờ nhạt”, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Giám đốc ngành Nước & Quy hoạch Việt Nam của Royal HaskoningDHV – Trưởng liên danh tư vấn cho đề án Quy hoạch TP HCM – nói.
Nơi đây từng đóng góp hơn 25% GDP cho cả nước, nhưng giờ còn quanh mức 16%. Không chỉ quy mô kinh tế, sự thịnh vượng của người dân cũng suy giảm. GRDP bình quân đầu người ở TP HCM chỉ đứng thứ 5 cả nước, sau Bà Rịa – Vũng Tàu, Quảng Ninh, Bình Dương và Bắc Ninh. Chỉ tiêu này nếu so với khu vực càng mờ nhạt. Dân số TP HCM khoảng 10 triệu người, lớn hơn Kuala Lumpur (Malaysia), nhỏ hơn Jakarta (Indonesia) nhưng thu nhập bình quân đầu người chỉ nhỉnh hơn Phnom Penh (Campuchia).
Dù vẫn tăng trưởng nhanh hơn mức bình quân cả nước, lợi thế của “đầu tàu” kinh tế không còn rõ nét như trước do nhiều địa phương khác đang vươn lên mạnh mẽ. Thời kỳ 2011 – 2015, tốc độ tăng trưởng của TP HCM cao hơn bình quân cả nước 1,22 lần, đến 2016 – 2020, khoảng cách này thu hẹp còn 1,07 lần. Thậm chí giai đoạn 2021-2025 (do ảnh hưởng nặng bởi Covid, GRDP 2021 của TP HCM âm 6,78%, cả nước vẫn tăng 2,91%), khiến tốc độ tăng trưởng bình quân của thành phố chỉ bằng 0,67 lần cả nước.