Ảnh hưởng đi lại từ việc rào đất ven sông

Ranh giới giữa đất hộ dân với đất hành lang bảo vệ nguồn nước ven sông, suối hiếm khi xảy ra tranh chấp, ngoại trừ hộ dân ấy cố ý lấn chiếm. Vì tất cả đã thể hiện trên hồ sơ, giấy tờ, bản đồ địa chính địa phương quản lý, nên có cần thiết phải rào để ảnh hưởng việc đi lại?

Vì yếu tố ấy nên nhiều người không rào mà tận dụng trồng cây, hoa màu, chăn nuôi khi nào nhà nước lấy thì trả hoặc bỏ trống làm đường dân sinh. Nhưng trên thực tế vẫn có trường hợp rào lấn cả vào đất công, gây ảnh hưởng việc đi lại của người dân. Điển hình, hộ ông H.T ở ven sông Bến Lội thuộc Khu dân cư Bắc Xuân An, phường Xuân An, TP. Phan Thiết. Trước đây, nơi này là cánh đồng muối, hầu như không có dân sinh sống. Nay với tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh, Phan Thiết đối mặt với rất nhiều thách thức trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Khu vực này mọc lên nhiều tòa nhà cao tầng, có nhiều diện tích đất nằm trong diện giải tỏa, chưa được bồi thường. Trong đó có khu đất nhà ông T, ở khu vực cuối đường Trường Sa (sau lưng Trường TH, THCS và THPT Lê Quý Đôn), nơi có một số hộ đang sinh sống, kinh doanh hàng quán và nuôi tôm.

Gia đình ông T, cắm cọc bê tông rào kẽm gai quanh phần đất, bao gồm cả ven sông Bến Lội. Việc rào này khiến người dân đi lại khó khăn, nhất là ban đêm vì nơi đây chưa có hệ thống đèn chiếu sáng. Anh Đạt, nhân viên của một quán ăn ở đây chia sẻ từng bị té ngã ở đoạn rào này vì ban đêm không nhìn thấy trụ bê tông.

Người dân đã làm đơn gửi đến UBND phường Xuân An kiến nghị vụ việc. Một cuộc hòa giải có nhiều bên liên quan tham dự gồm, gia đình ông T, người dân, đại diện UBND các phường Xuân An, Phú Thủy, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh (đơn vị đang chỉnh trang, làm sạch đẹp bờ sông Bến Lội) được tổ chức.

Sau đó hàng rào đã được tháo dỡ dịch lùi vào phía trong đất nhà ông T, nhưng vẫn còn những trụ bê tông. “Trước đây, gia đình tôi không rào, nhưng từ khi địa chính của phường đo lại diện tích đất, cắm mốc nên rào lại để giữ đất vì địa chính chỉ đo một lần. Gia đình tôi cũng mong Nhà nước sớm giải quyết việc bồi thường, sẽ nhổ trụ bê tông giao lại, không ảnh hưởng công trình thi công bờ sông…”, người thân trong gia đình T giải thích.

Ông Đoàn Nguyễn Xuân Hoàng, Chủ tịch UBND phường Xuân An cho biết: UBND phường đã phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh vận động hộ ông T, người đang có đơn khiếu kiện liên quan đến giá đền bù, tháo dỡ hàng rào. Đến nay, hộ ông T đã tháo gỡ, nhưng còn trụ bê tông nằm trong ranh đất nhà ông, Ban Quản lý và Trung tâm Phát triển quỹ đất đang tổng hợp kiểm tra lại đất của nhà ông T, xem đền bù được tới đâu. Phần chưa đền bù tiếp tục tìm hướng giải quyết, để ông T trả lại hiện trạng, tháo gỡ trụ bê tông đảm bảo việc đi lại cho người dân. Qua đó, tạo điều kiện tốt cho việc thi công công trình chống sạt lở bờ sông, cải thiện cảnh quan đô thị và vệ sinh môi trường ven bờ kênh thoát lũ (từ ngã ba sông Bến Lội đến hết Khu dân cư Hùng Vương 2).

Hộ ông T không phải là duy nhất, còn nhiều trường hợp khác. Đặc biệt có trường hợp lấn chiếm đất công, tác động vào đất làm sạt, lở đất ảnh hưởng đến dòng chảy của sông, suối. Theo đó, người dân có đất ven sông, suối cần phải tuân thủ quy định pháp luật và nếu cảm thấy ảnh hưởng đến việc đi lại trong môi trường sống, không cần thiết phải rào, vì tất cả đã thể hiện trên hồ sơ, giấy tờ, bản đồ địa chính do địa phương quản lý…

Theo baobinhthuan

DỰ ÁN NỔI BẬT

NHẬN TƯ VẤN CHI TIẾT NHỮNG DỰ ÁN ĐANG HOT TỪ CÁC CHUYÊN GIA

DỰ ÁN HOT

TÂM ĐIỂM ĐẦU TƯ