Du lịch và điện ảnh – Liên kết để vươn xa

Chiều 16-6, trong khuôn khổ Chương trình liên kết phát triển thương hiệu du lịch và điện ảnh Việt Nam năm 2023, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) phối hợp với UBND tỉnh tổ chức Diễn đàn “Du lịch và Điện ảnh Việt Nam – Liên kết vươn xa, tạo đà cất cánh”. Tham dự diễn đàn có Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Tạ Quang Đông; ông Lê Hữu Hoàng – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện Tổng cục Du lịch, Cục Điện ảnh, các nhà làm phim trong nước và quốc tế.

Dùng điện ảnh để quảng bá, kích cầu du lịch là hướng đi không mới. Những bộ phim như: Đông Dương, Người tình, Kong – Đảo đầu lâu… đã tạo được sức hút lớn với khách quốc tế. Ngay trong nước, các bộ phim như: Chuyện của Pao, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ canh, Mắt biếc, Gái già lắm chiêu V… cũng tạo được sức hút với khách du lịch nội địa. Tuy nhiên, những bộ phim như vậy chưa nhiều. Các đại biểu cho rằng, để điện ảnh phát triển mạnh mẽ, góp phần quảng bá du lịch, Việt Nam cần tổ chức những sự kiện điện ảnh, xây dựng đề án tổ chức những liên hoan phim mang tính quốc tế định kỳ, mang dấu ấn riêng của đất nước; đầu tư các tác phẩm điện ảnh cho các hoạt động đối ngoại; hỗ trợ các tài năng, đầu tư xây dựng và sản xuất thành công các dự án phim có chất lượng tốt, mang bản sắc văn hóa Việt Nam độc đáo để có thể tiếp cận thị trường điện ảnh khu vực và quốc tế, thành công tại các liên hoan phim quốc tế nhiều hơn… “Muốn quảng bá du lịch, thu hút khách quốc tế thì phải có phim hay. Muốn như vậy phải có sự đầu tư lớn về kinh phí, phải có kịch bản đủ tốt và có sự hợp tác chặt chẽ giữa ngành Du lịch, chính quyền địa phương với các đoàn làm phim”, bà Ngô Phương Lan – nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh bày tỏ.

Chia sẻ về kinh nghiệm dùng điện ảnh để kích cầu du lịch, bà Ruriko Sekine (Tổng Thư ký Hội đồng phim Nhật Bản) cho biết, Nhật Bản đã tổ chức hội chợ triển lãm điện ảnh hàng năm; đưa các đoàn phim đi tham quan thực tế các địa điểm trong và ngoài nước để tìm cảm hứng sáng tạo cho các bộ phim; tổ chức phát hành tem bưu chính về địa danh có trong phim sau khi nó thành công; có những trang web cung cấp dữ liệu về điện ảnh Nhật Bản.

Chia sẻ về kinh nghiệm thực hiện những bộ phim có sức hút như: Chuyện của Pao, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, đại diện tỉnh Hà Giang và Phú Yên đều cho biết, để có được những thành công đó, địa phương phải sát cánh, hỗ trợ đoàn làm phim đến tối đa. “Chúng tôi đã trao đổi, đề nghị các đạo diễn, đoàn làm phim lựa chọn và quay thêm những tác phẩm điện ảnh khác có sử dụng bối cảnh tại Phú Yên. Địa phương sẽ hỗ trợ tích cực cho các đoàn làm phim khi thực hiện cảnh quay tại đây”, ông Đào Mỹ – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên nói. Theo nhà báo Trần Việt Văn (Báo Lao Động), mối hợp tác giữa điện ảnh và du lịch là sự hợp tác theo chiến lược Win-Win (đôi bên cùng có lợi). Tuy nhiên, Bộ VH-TT-DL cùng với các địa phương, doanh nghiệp cần phải đẩy mạnh công tác truyền thông quảng bá.

Đặc biệt, tại diễn đàn, nhiều nhà làm phim chia sẻ, thủ tục xin phép để quay phim quá nhiêu khê, mỗi địa phương có một quy định khác nhau. Giới làm phim mong chờ có một nghị định của Bộ VH-TT-DL hướng dẫn thủ tục làm phim ở các địa phương. Còn theo bà Đặng Thị Bích Liên – nguyên Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL, cần xây dựng đề án thí điểm về sự liên kết giữa du lịch và điện ảnh, trong đó có những chủ trương, chính sách để tạo thuận lợi cho việc làm phim quảng bá du lịch.

Theo baokhanhhoa

DỰ ÁN NỔI BẬT

NHẬN TƯ VẤN CHI TIẾT NHỮNG DỰ ÁN ĐANG HOT TỪ CÁC CHUYÊN GIA

DỰ ÁN HOT

TÂM ĐIỂM ĐẦU TƯ